Trong Tây Du Ký, Na Tra là con trai thứ ba của Thác Tháp Lý Thiên Vương. Khi sinh ra, trên tay trái có chữ “Na”, tay phải có chữ “Tra” nên được đặt tên là Lý Na Tra.
Lý Na Tra
Vị thái tử tam triều này xuống biển gây họa, đạp đổ Thủy Tinh Cung, bắt giao long rút gân làm dải lụa. Na Tra sau phải “lóc thịt trả cha, lóc xương trả mẹ” để ngăn chặn hậu họa, không làm liên lụy đến mọi người.
Na Tra với thần lực của mình, thu phục chín mươi sáu động yêu ma, sau muốn giết Lý Tịnh để trả mối thù lóc xương năm xưa.
Lý Tịnh bất lực, đành bẩm báo lên Như Lai Phật Tổ. Như Lai ban cho Lý Tịnh một chiếc Lung Linh Như Ý Hoang Kim Bảo Tháp, đồng thời giúp hai cha con hóa giải thâm thù.Linh hồn của Na Tra trôi đến Tây Phương cực lạc.
Lúc đó Phật Tổ đang giảng kinh cùng các vị Bồ Tát, nghe thấy thấp thoáng có bóng người kêu cứu. Phật Tổ dùng Phật nhãn quan sát thì biết được đó chính là linh hồn của Na Tra, liền dùng ngó sen làm xương, niệm chân chú Cải Tử Hoàn Sinh, nhờ vậy Na Tra mới có được sinh mạng mới.
Với chiến công thu phục chín mươi sáu động yêu quái, Na Tra được Ngọc Đế phong làm Tam Đàm Hải Hội Đại Thần. Trong lúc tham gia chiến dịch đánh dẹp Hoa Quả Sơn, sau một hồi giao đấu kịch liệt thì bại trận dưới tay Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không
Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không được một viên Ngũ Sắc Tiên Thạch sinh ra sau khi nó hấp thụ đủ linh khí của trời đất từ thuở khai thiên lập địa, vì dẫn đám hầu tử vào được Thủy Liên Động mà được coi là hầu vương.
Tôn Ngộ Không sớm đã hình thành dục vọng trường sinh, vượt qua núi cao biển rộng, bái được Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ, được đặt tên là Tôn Ngộ Không và học được Cân Đẩu Vân cùng bộ 72 phép biến hóa.
Pháp thuật thần thông khiến Ngộ Không tự cao tự đại, đầu tiên là đoạt bảo vật Long Cung, tiếp theo là phá hủy Sinh Tử Bộ dưới Âm Phủ, sau được Thiên Đình chiêu an làm Bạch Mã Ôn.
Vì bất mãn chức quan quá nhỏ, Ngộ Không trốn về Hoa Quả Sơn thách thức Thiên Đình, chiến thắng sự thảo phạt của Lý Thiên Vuong và Na Tra, khiến Thiên Đình bắt buộc phải phong làm Tề Thiên Đại Thánh, có thủ phủ riêng, phụng chỉ trông coi vườn Đào tiên.
Tính tình phá phách lại nổi lên, Tôn Ngộ Không ăn trộm Đào tiên trong vườn, say rượu phá tan hội Bàn Đào của Vương Mẫu, ăn hết chỗ Kim Đan của Thái Thượng Lão Quân nên luyện thành Kim Cang Bất Hoại Thân, rồi nhờ bị nhốt trong lò Bát Quái mà luyện thêm được Hỏa Nhãn Kim Tinh.
Sau đó Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, đánh bại 10 vạn thiên binh, tứ đại thiên vương, đánh sập điện Linh Tiêu, ép Ngọc Đế phải nhường ngôi, cuối cùng chỉ chịu thất bại dưới pháp lực của Như Lai Phật Tổ.
Tôn Ngộ Không sau được Đường Tăng giải thoát, tận tụy bảo vệ đoàn đi lấy kinh, tu thành chính quả, được Như Lai phong làm Đấu Chiến Thắng Phật.
Nhị Lang Thần đã từng đánh bại Tôn Ngộ Không
Nhị Lang Thần Dương Tiễn
Nhị Lang Thần Dương Tiễn cháu ngoại của Ngọc Đế, được phong làm Chiêu Huệ Linh Hiển Vương, hiệu là Nhị Lang Hiển Thánh.
Tuy nhiên vì tính khí cao ngạo, Nhị Lang Thần không bao giờ nhắc tới mối quan hệ với Ngọc Đế, đối với Ngọc Đế, Nhị Lang chỉ phục tùng quân vụ và chính sự chứ không bao giờ qua lại chuyện trò thân mật.
Nhị Lang Thần là người gan dạ bãn lĩnh, trong lúc Tôn Ngộ Không khí thế đang ngút trời vẫn dám tiếp chỉ hàng yêu mà không một lo lắng sợ hãi, có thể thấy Nhị Lang rất tự tin vào bản lĩnh của mình.
Nhị Lang Thần đến Hoa Quả Sơn, cùng Tôn Ngộ Không giao đấu 300 hiệp không phân thắng bại, sau đó hai bên chuyển sang đấu phép, thể hiện sự thần thông.
Trải qua một ngày khổ chiến, Tôn Ngộ Không bị Thái Thượng Lão Quân dùng Kim Cang Trác đánh lén và bị Khao Thiên Khuyển cắn mà bại trận bị bắt sống.
Tuy Nhị Lang Thần chiến thắng không được vẻ vang nhưng thực chất Tôn Ngộ Không cũng đã không thể đánh bại Nhị Lang Thần. Mọi phép thuật mà Tôn Ngộ Không thi triển đều bị Nhị Lang Thần dễ dàng phá giải.
Vì vậy có thể nói trước khi bị giam dưới Ngũ Hành Sơn, Nhị Lang Thần mạnh hơn Ngộ Không, còn Ngộ Không mạnh hơn Na Tra. Tuy nhiên sau khi trở thành Đấu Chiến Thắng Phật, Tôn Ngộ Không có thể đã vượt qua cả hai người này.